TOURBILLON : LIỆU CÓ LỢI ÍCH THỰC SỰ KHI GẮN VÀO ĐỒNG HỒ ĐEO TAY?

* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*

Không thể chối cãi rằng Breguet đã phát minh ra cơ chế Tourbillon, với ý định ban đầu là tạo ra một thứ gì đó có thể cải thiện hiệu suất của một chiếc đồng hồ, bản thân Breguet cũng đã chế tạo thành công cơ chế này – với bằng sáng chế cấp năm 1801, đồng thời cũng đem tới một loạt những tranh cãi nảy lửa xoay quanh nó. Tourbillon được cho là đem tới những giá trị rất thiết thực : giảm sự thay đổi tốc độ của đồng hồ khi đặt tại các vị trí mặt phẳng hoặc thẳng đứng đến mức thấp nhất.

 

 

Những người đam mê và quan tâm đến độ chính xác của đồng hồ đều biết rằng, một chiếc đồng hồ sẽ vận hành ở tốc độ hơi khác nhau khi đặt tại các vị trí khác nhau. Các vị trí này là : thẳng đứng ( hoặc treo lên) với núm chỉnh hướng lên trên/dưới/trái/phải, các vị trí đặt nằm trên mặt phẳng với mặt số đặt sấp hoặc ngửa. George Daniels, nhà chế tạo đồng hồ vĩ đại người Anh Quốc đã nói ngắn gọn về mục đích của Tourbillon trong cuốn sách ” Chế tạo đồng hồ” – cuốn kinh điển do chính ông viết như thế này : ” mục đích của phát minh này là để loại bỏ các lỗi của cân bằng, bằng cách xoay vòng bộ thoát liên tục để tạo ra một tốc độ trung bình thống nhất” ( từ chuyên ngành kĩ thuật đọc tham khảo thôi ha).

 

 

Sự khác biệt nảy sinh giữa vị trí thẳng đứng và vị trí đặt nằm trên mặt phẳng, là do lực tác động của trọng lực lên bộ cân bằng và lò xo cân bằng – và theo đó lối suy nghĩ của Breguet là khá chuẩn, nếu tôi đặt bộ cân bằng cùng lò xo của nó vào trong một cái lồng quay, nằm trên cùng mặt phẳng với mặt số thì tôi sẽ tạo ra một tốc độ trung bình cho tất cả các vị trị thẳng đứng. Daniels đã nhận xét :” các đốc độ dọc gần đạt được nhờ Tourbillon sẽ dài hơn so với tỷ lệ tương tự của một chiếc đồng hồ thông thường “. Ông cũng chỉ ra rằng :” đồng hồ Tourbillon dự kiến sẽ giữ giờ tốt hơn so với đồng hồ thông thường. Nếu có khả năng duy trì ” tốc độ gần” trong một khoảng thời gian dài hơn, nó sẽ phải được trang bị một bộ thoát không cần dầu tại các bề mặt tạo ra xung lực”. Lý do bởi vì khi chất bôi trơn bị xuống cấp theo thời gian, thì tốc độ của đồng hồ sẽ bị thay đổi.

                                   ông vua đồng hồ george daniels

Cỗ máy Tourbillon sẽ tạo ra một số vấn đề phát sinh trong khi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tạo ra sự chính xác. Bạn chắc chắn sẽ có được một tốc độ ổn định duy nhất ở trong tất cả các vị trí đặt đồng hồ, nhưng đồng thời bạn sẽ phải cần tới một dây cót chính mạnh mẽ hơn, vì cỗ máy cần di chuyển bộ cân bằng khi bộ thoát mở ra, sẽ cần phải di chuyển khối lượng của tất cả mọi chi tiết bên trong lồng : bộ cân bằng, lò xo cân bằng, đòn bẩy và bánh xe thoát. Trên hết, bạn phải di chuyển khối lượng của lồng chứa. Mỗi lần bộ cân bằng mở ra và bánh xe thoát nhích tới một răng, toàn bộ các chi tiết đều phải di chuyển và tạo ra một tải trọng quán tính lớn, cũng như nhiều gánh nặng phụ trên các tấm Pallet và bánh răng thoát. nếu bạn muốn giải quyết vấn đề này tại thời điểm hiện tại với một cỗ tourbillon giá rẻ, bạn sẽ áp dụng một dây cót chính mạnh mẽ thay vì sản xuất các chi tiết có độ chính xác cao. Tuy nhiên theo truyền thống, thường người ta sẽ làm một cỗ tourbillon có phương thức sản xuất chính xác cao để tránh gây hao mòn chi tiết quá mức.

Khi áp dụng cho đồng hồ đeo tay, các ý kiến phản đối càng trở nên rõ ràng hơn. Vấn đề là do không gian của đồng hồ đeo tay không nhiều như đồng hồ bỏ túi, việc xây dựng tourbillon bên trong đồng hồ bỏ túi đường kính 50mm trở lên là một chuyện, nhưng lắp nó vào một cỗ máy có đường kính 30mm lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đã có những chiếc đồng hồ đeo tay có gắn Tourbillon được chế tạo từ thời trước khi bùng nổ đồng hồ xa xỉ hậu thạch anh ( ám chỉ thời điểm cuối 1980 khi đồng hồ cơ khí xa xỉ bắt đầu bùng nổ trở lại). Nhưng số lượng của chúng vô cùng ít : ví dụ như Patek Philippe đã tạo ra một số cỗ máy tourbillon đeo tay tại các trạm quan sát thiên văn, hoặc Omega cũng làm điều tương tự, nhưng đây là những “của hiếm”. Thực tế là để tìm kiếm các giải thưởng trong giải pháp đo đếm thời gian, phần lớn người ta đã áp dụng các tinh chỉnh về bộ thoát đòn bẩy, cải thiện các tinh chỉnh khác. Chiếc đồng hồ đeo tay tourbillon thương mại siêu mỏng tạo ra bởi hãng Audemars Piguet, sử dụng máy Calibre 2780 có từ năm 1986, nó chỉ đơn giản là thể hiện năng lực chế tạo đồng hồ chứ không có đóng góp đáng kể nào cho việc tăng cường độ chính xác.

                                chiếc AP tourbillon đeo tay trong bài viết

Chúng tôi cũng đã phỏng vấn Roger Smith – một chuyên gia chế tạo đồng hồ hàng đầu Anh Quốc, một người được biết đến trong giới đồng hồ với quan điểm ủng hộ sự đơn giản và mạnh mẽ cho cỗ máy đồng hồ, anh đã cho chúng tôi biết quan điểm của anh về việc gắn Tourbillon vào đồng hồ đeo tay như sau :

                             nghệ nhân hàng đầu Anh Quốc Roger Smith

” tôi nghĩ rằng Daniels ( tức Georger Daniels – thầy của anh) sẽ vui vẻ thừa nhận rằng tourbillon không có tính thực tế trong kĩ thuật chế tạo đồng hồ hiện đại, và tôi đồng ý với điều đó. Tourbillon được phát minh ra để chống lại những thay đổi phân tách bất thường của bộ cân bằng lưỡng kim. Bản chất của nó vốn không thể tự cân bằng do sự thay đổi về nhiệt độ, lực ly tâm và các rung chấn lặp đi lặp lại mà mỗi chiếc đồng hồ phải nhận.  Những cỗ tourbillon có thể xử lý vấn đề này.

” ngày nay, toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ đều sử dụng bộ cân bằng đơn kim ( một loại kim loại) có sẵn trong nhà xưởng, và do đó, căn cứ vào tính thực tế, hãy đưa tourbillon vào sách lịch sử. Trong trường hợp về vai trò của tourbillon tại thời điểm hiện tại, nó dành cho các thợ đồng hồ muốn khoe kĩ năng, nghệ thuật cũng như thổi ngọn lửa đam mê của họ cho các cơ chế thu nhỏ, và để nổi bật giữa đám đông thì tôi vẫn sẽ đặt nó ( tourbillon) vào bên trong một chiếc đồng hồ”.

                                                   rất tinh xảo và đẹp

Quan điểm ở trên là khá thường tình khi nói về một cỗ tourbillon dành cho đồng hồ bỏ túi. Tuy nhiên Smith đã bỏ qua một điểm thú vị thường hay bị lãng quên : số chia dư trong bộ cân bằng hợp kim Glucydur ( hợp kim chống ăn mòn tốt ), kết hợp với lò xo cân bằng thép rất khó ổn định cả trong tư thế tĩnh lẫn động của đồng hồ. Trong trường hợp này, một cỗ tourbillon có thể sẽ có hiệu quả, hoặc ít nhất là nó có vẻ như vậy từ các hồ sơ thử nghiệm tại trạm quan sát thiên văn. Một tourbillon của hãng Girard Perregaux có từ 1890, thử nghiệm tại trạm thiên văn Neuchatel đã cho thấy, sự chênh lệch tại các vị trí nằm trên mặt phẳng và vị trí treo lơ lửng, có sai lệch với nhau rất ít chỉ 0.19 giây/ ngày. Tuy nhiên, khi cơ chế này được đặt vào trong một chiếc đồng hồ hiện đại, đi kèm với bộ cân bằng đơn kim monometallic, nó có vẻ thừa thãi và giống như một thứ kí sinh tồi tệ xét trên quan điểm sự chính xác của đồng hồ. Đơn cử như với chiếc Rolex hiện đại – một ví dụ rõ ràng nhất : chiếc đồng hồ rời khỏi nhà máy với độ sai số được căn chỉnh là +/-2 giây mỗi ngày, và một chiếc đồng hồ đeo tay Tourbillon cũng chỉ có sai số tương tự như thế.

                                          chiếc GP bỏ túi trong bài viết

Tất nhiên cũng sẽ có những ngoại lệ thú vị, như tại cuộc thi ” The Concours International De Chronometrie” – cuộc thi độ chính xác cao dành cho đồng hồ thời hiện đại ( đây là cuộc thi kế thừa các cuộc thi cũ tại trạm quan sát thiên văn), vào năm 2011, chiếc đồng hồ Greubel Forsey Double Tourbillon Technique đã giành giải vô địch chung, với số điểm 915/1000, bên cạnh đó chiếc đồng hồ đến từ Hãng Tissot đã chiến thắng tại hạng mục Classique ( hạng mục đồng hồ cổ điển bình thường, ám chỉ sự chiến thắng của tourbillon). Trong năm 2009, một màn trình diễn tuyệt vời cũng đến từ những chiếc đồng hồ tourbillon của hãng Jaeger Lecoultre : JLC Master Tourbillon và Gyrotoubillon đạt điểm số cao nhất. Tất nhiên những ví dụ nhỏ như vậy là chưa đủ thông tin để có thể chắc chắn về lợi ích của tourbillon, nhưng ít nhất nó cũng cho thấy rằng nó vẫn có giá trị về độ chính xác.

Một điểm cuối cùng đôi khi hay bị bỏ quên trong cuộc thảo luận về tourbillon, đó là ” tốc độ trung bình duy nhất cho các vị trí thẳng đứng” tự nó vốn không ổn định. Đạt được tốc độ trung bình duy nhất là một lợi thế xét trên mặt lý thuyết, nhưng tốc độ này sẽ bị thay đổi tùy thuộc vào sức mạnh dây cót chính, trạng thái bôi trơn của đồng hồ và các vị trí tinh chỉnh khác nhau. Một số vấn đề này được xử lí bởi những cỗ tourbillon đa trục – ví dụ như Greubel Forsey. Chúng vốn không dành cho tất cả mọi người và nói chung không phù hợp cho đa số ví tiền! Nhưng đây lại là những ví dụ hấp dẫn cho việc khám phá các giải pháp về mặt cơ học chính xác.

                                          tourbillon thủ công của Smith

Khi được hỏi “liệu có đúng là Tourbillon ít nhất có thể chứng minh lợi ích, xét trên mặt lý thuyết dành cho đồng hồ đeo tay hay không?” – với khả năng tạo ra một tốc độ trung bình duy nhất tại các vị trí thẳng đứng, Smith đã trả lời : ” một bộ cân bằng đơn giản được tinh chỉnh ngon lành kèm theo một dây tóc sẽ giữ được tốc độ theo chiều dọc ngang bằng với bất kì một cỗ tourbillon nào. Về lâu về dài, một chiếc đồng hồ đơn giản có thể vận hành ổn định dài hơn so với một chiếc tourbillon phức tạp, đặc biệt là khi các chất bôi trơn bắt đầu xuống cấp”.

Những đánh giá ở trên đây vốn chưa thể toàn diện, nhưng bản thân tôi vẫn thấy được sự quyến rũ của tourbillon. Nếu có cơ hội, tôi vẫn sẽ dùng một chiếc tourbillon đến từ Patek để đeo hàng ngày – và tôi thích điều đó. Những chiếc đồng hồ Tourbillon sản xuất đại trà giá rẻ dường như đã làm chệch hướng suy nghĩ thường tình vốn gán cho cơ chế này là một màn biểu diễn nghệ thuật thủ công. Nhưng dù có thế nào đi nữa, đây vẫn là một chi tiết tinh xảo và hấp dẫn trên đồng hồ mà bạn khó có thể bỏ qua.

KẾT LUẬN

   tourbillon của omega

Tourbillon là một cơ chế rất sâu tuổi và phức tạp. Nhưng vấn đề là ở chỗ, bản thân sự phức tạp đẹp mắt chưa chắc đã đem lại hiệu quả thực sự về độ chính xác – khi mà bản thân hệ thống đồng hồ cơ khí hoàn toàn bị bỏ xa bởi đồng hồ thạch anh, đồng hồ điện tử và nay là đồng hồ thông minh. Việc sản xuất đại trà nó cho đến nay cũng không quá khó khi mà các nhà sản xuất đồng hồ Trung Quốc đã làm điều này một cách quá dễ dàng, và lắp tràn lan trên đủ loại đồng hồ giá rẻ. Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ không có đủ dũng cảm để làm điều này, bởi đơn giản họ không muốn phát minh tuyệt vời thường được gán cho mĩ từ ” kĩ nghệ chế tác đồng hồ cấp cao” bị hạ cấp thành một cơ chế quá phổ thông. Và tất nhiên việc vận hành một nhà máy sản xuất đại trà cũng không cần thiết ở thụy sĩ, bởi nó sẽ gây tốn kém thêm chi phí xây dựng, và chi phí bảo dưỡng cho một cơ chế quá nhiều chi tiết và dễ hỏng hóc – điều mà các nhà sản xuất như Omega hay Rolex tuyệt đối tránh, và họ cũng thừa khả năng tạo ra những loại đồng hồ chính xác cực cao mà không cần tourbillon.

Tuy nhiên, thị trường đồng hồ xa xỉ vốn là một nơi tập trung những tay chơi, và họ coi sự phức tạp là một món ” đồ chơi”. Vấn đề bảo dưỡng, khó sửa, chi phí cao ..vv…vv vốn không quá quan trọng, thứ mà họ cần chính là kết cấu phức tạp, có khi càng khó sửa, càng độc lạ lại càng thích! Và với tourbillon – một cơ chế được phát minh bởi bậc thầy huyền thoại về đồng hồ, đẹp mắt và tinh xảo thì rõ ràng nó không thể thiếu trong những chiếc đồng hồ cực kì đắt tiền. Mặc cho tính hữu dụng,  mặc cho sự lỗi thời đã tồn tại qua hàng thế kỉ, tourbillon vẫn đang làm say đắm bao tay chơi đồng hồ, bởi đôi khi, những thứ lỗi thời lại đem lại những cảm xúc tân thời và quý phái tột bực!