LỊCH SỬ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ TẠO ĐỒNG HỒ THỤY SỸ (PHẦN 2)

KẾT THÚC THẾ KỈ 19

Mặc dù số lượng các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ chất lượng thấp hơn đang tràn ngập thị trường, nhưng nhiều nhà sản xuất tại vùng Geneve vẫn giữ được danh tiếng tốt. Thật không may, có nhiều kẻ bất lương lại nhăm nhe kiếm lời từ chính sự nổi tiếng ấy.

Việc làm giả đồng hồ đã diễn ra trên quy mô lớn, đặc biệt là ở một đất nước tràn ngập thợ đồng hồ như Thụy Sỹ. Để chống lại nạn đồng hồ giả, hiệp hội các nhà sản xuất đồng hồ đã thúc đẩy chính quyền Canton, vùng Geneve thông qua một đạo luật, để đặt ra các tiêu chuẩn dành cho một chiếc đồng hồ chính hãng sản xuất tại Geneva.

 

 

Con dấu Geneva ( hay triện Geneva Seal) đã được sử dụng làm kí hiệu định danh, dành cho bất kì một chiếc đồng hồ nào được sản xuất tại Geneva. Mỗi chiếc đồng hồ sở hữu con dấu này đều phải có cỗ máy được chế tác bởi một nghệ nhân vùng Canton, Geneva.

 

 

Đây không phải là biện pháp chống hàng giả duy nhất xuất hiện vào cuối thế kỉ 19, ta sẽ còn có kí hiệu chất lượng Swiss Made nổi tiếng, bắt đầu xuất hiện từ khoảng 1880, mặc dù thời điểm này nó không có tư cách pháp lý. Với những kí hiệu đảm bảo về chất lượng có hiệu lực pháp luật, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ chất lượng đã sẵn sàng để trở nên nổi bật giữa đám đông.

SỰ TRỖI DẬY CỦA ĐỒNG HỒ ĐEO TAY

Khái niệm về đồng hồ đeo tay đã có từ lâu, nhưng chúng chưa bao giờ thực sự có được vị thế chính thức như đồng hồ bỏ túi. Trong lịch sử, nữ hoàng Elizabeth đã được tặng một chiếc đồng hồ đeo tay từ Robert Dudley, bá tước vùng Leicester vào năm 1571.

                                              nữ hoàng nhận đồng hồ

Mặc dù xuất hiện từ năm 1571, sách kỉ lục Guiness lại ghi nhận hãng Patek đã tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên vào năm 1868, nó được làm riêng cho nữ bá tước Koscowicz của Hungary.

                                                  chiếc patek năm 1868

Có một sự thật, là không ai biết đồng hồ đeo tay được tạo ra từ khi nào, rất có thể nó xuất hiện khi ai đó quyết định gắn dây đeo vào đồng hồ bỏ túi, và đeo lên cánh tay của họ, hoặc cũng có thể là một kẻ nào đó khao khát được nhìn thấy một kiểu sản phẩm mới, đã đưa ra một quyết định tương tự. Nhưng bất kể là ai đã thực sự tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên, thì chính người Thụy Sỹ sẽ đem tới cho nó một sức hấp dẫn cực lớn. Và chính điều này sẽ đưa họ tiến tới một sự công nhận trên toàn thế giới, với một vị thế lớn chưa từng có.

NHỮNG KHÓ KHĂN KHI ĐƯA ĐỒNG HỒ LÊN CỔ TAY

Đã có những vấn đề lớn cần phải khắc phục khi đưa đồng hồ lên cổ tay, thứ nhất, việc giữ được kích thước nhỏ trong khi vẫn chạy chính xác là rất khó ở tại thời điểm thế kỉ 19. Và ngay cả khi làm được điều đó, thì mọi người vẫn không thể tin tưởng một chiếc đồng hồ như vậy, nhận thức chung của người mua hàng khi ấy, là một chiếc đồng hồ chạy chính xác thì phải có kích thước nhất định – tức là lớn hơn.

Thứ hai, đồng hồ đeo tay rất dễ gặp phải những vấn đề mà hiếm khi xảy ra trên đồng hồ bỏ túi : đồng hồ bỏ túi ít khi bị đổ nước hay dính bụi khi chúng ở trong túi của bạn, nhưng khi đeo lên cổ tay thì lại là một vấn đề khác. Nếu gặp phải một trong những vấn đề ở trên, nó sẽ dễ dàng làm hỏng các chi tiết bên trong đồng hồ của bạn.

Cuối cùng, đồng hồ đeo tay được xem là vô cùng nữ tính, và điều này ngăn cản đàn ông mua nó. Một câu trích dẫn nhanh trên tạp chí Albuquerque : ” những người đeo đồng hồ đeo tay, thường bị nghi ngờ là có ren trên đồ lót của anh ta và tết tóc vào ban đêm. “ tất nhiên, kiểu nhận thức này không gây ngạc nhiên lắm, vì hầu hết đồng hồ đeo tay trước đây được sản xuất cho phụ nữ, người ta hay gọi chúng với cái tên ” Bracelet Watch”, chúng rất đẹp và dĩ nhiên, cũng rất nữ tính!

Trường hợp duy nhất đàn ông đeo đồng hồ lên cổ tay, là khi họ phục vụ trong quân đội, bởi việc kiểm tra thời gian thông qua cổ tay sẽ dễ dàng hơn nhiều, nếu so với đồng hồ bỏ túi. Vậy sự thay đổi bắt đầu từ đâu? Vâng, nó đã diễn ra theo từng giai đoạn tùy theo mục đích của các nhà sản xuất. Năm1903, hãng Dimier Frères & Cie đã được cấp bằng sáng chế cho một loại thiết kế đồng hồ đeo tay, năm 1904, Alberto Santos Dumont, một tay phi công lừng danh đã yêu cầu Louis Cartier thiết kế ra một chiếc đồng hồ hữu dụng cho các chuyến bay, và nó đã được đeo lên cổ tay của anh ta.

                                  bằng sáng chế của Dimier Frères & Cie

                                                   phi công huyền thoại

Một trong những sự thay đổi lớn nhất đã diễn ra tại Anh Quốc, nhưng lại thông qua Thụy Sỹ. Chuyện xảy ra khi Hans Wilsdorf chuyển tới Luân Đôn vào năm 1905, và sau đó thành lập ra một doanh nghiệp đồng hồ cùng với anh rể của mình, Alfred Davis, công ty này có tên là Wilsdorf  And Davis. Wilsdorf đã nhanh chóng để ý tới đồng hồ đeo tay, và quyết định sản xuất sản phẩm cho riêng mình.

Wilsdorf đã liên hệ với công ty Aegler Thụy Sỹ, và đặt một đơn hàng rất lớn về đồng hồ đeo tay ở thời điểm đó. Ông bán đồng hồ cho cả nam lẫn nữ giới, chúng sử dụng dây da. Mặc dù quan điểm của xã hội khi đó dành cho đồng hồ đeo tay, là một kiểu sản phẩm đậm chất nữ tính, nhưng nó vẫn đạt được sự thành công lớn. Khi loại dây đeo kim loại Bracellet ra đời, ông đã bổ sung nó vào đồng hồ của mình, và nó lại tiếp tục thành công.

Khi đã đạt được những thành quả với đồng hồ đeo tay, Wilsdorf mong muốn tạo ra một thương hiệu đồng hồ của riêng mình, ông đã cho mở một văn phòng tại La Chaux De Fonds vào năm 1907, và đăng kí nhãn hiệu với cái tên ban đầu là ” Lusitania”. Cái tên này không tồn tại được lâu, và đến năm 1908, ông đã đổi thành Rolex – lí do bởi nó dễ nhớ hơn.

Những chiếc đồng hồ của Wilsdorf, bao gồm nhãn hiệu Rolex đã nhanh chóng trở thành một cái tên nổi tiếng và được kính nể. Sau đó họ cũng đạt được những bước tiến mới, điển hình như năm 1910, Rolex đã trở thành nhãn hiệu đầu tiên thế giới, có đồng hồ đeo tay được chứng nhận độ chính xác cao Chronometer tại Thụy Sỹ.

THAY ĐỔI NHỜ VÀO CHIẾN TRANH

Trong thế chiến 1, người ta đã sớm nhận thấy rằng, các nhân viên quân sự cần phải có một chiếc đồng hồ trên cổ tay của họ. Để thống nhất được thời gian tác chiến thì mọi người lính ở mặt đất đều cần đeo đồng hồ. Trong các trận không chiến, những phi công đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng và sự tiện lợi của đồng hồ đeo tay là hơn hẳn so với đồng hồ bỏ túi.

Kết thúc cuộc chiến, những người lính trở về với những chiếc đồng hồ trên cổ tay, đa số họ là đàn ông ở tuổi lao động, nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục đeo nó một thời gian dài sau chiến tranh, và điều này đã tác động mạnh đến nhận thức của công chúng. Và đột nhiên, đồng hồ đeo tay không còn bị xem là thứ đồ ẻo lả mỏng manh, nó được xem là vật dụng phổ biến dành cho các cựu quân nhân hơn bất kì thứ gì. Tỉ lệ đồng hồ đeo tay so với đồng hồ bỏ túi gần như bị đảo ngược vào năm 1930 : 50/1. Hầu hết loại sản phẩm này được sản xuất bởi các công ty Thụy Sỹ, mà thường là Rolex hoặc Omega.

Trong thời thế chiến 2, đồng hồ đeo tay tiếp tục thống lĩnh trên cổ tay các quân nhân. Rotary, một nhãn hiệu thành lập tại Thụy Sỹ, đã sản xuất đồng hồ cho quân đội Anh Quốc thời kì này, và họ cũng làm một chiếc cho hầu hết các hộ gia đình tại Anh. Các nhà sản xuất Thụy Sỹ đã nhanh chóng tận dụng khoảng cách trên thị trường Mĩ – khi đó đang được huy động tối đa cho chiến tranh, người Thụy Sỹ đã chọn những khách hàng mà các nhà sản xuất Mĩ bỏ qua. Và khác với lần trước, họ không tràn ngập thị trường Mĩ bằng những loại sản phẩm giá rẻ, mà thay vào đó là những sản phẩm có chất lượng vô cùng cao.

ĐỔI MỚI TỪ CHIẾN TRANH

Tại sao người Thụy Sỹ dám tấn công để chiếm lĩnh thị trường Mĩ? Bởi họ có trong tay không chỉ những chiếc đồng hồ chất lượng, mà còn có cả công nghệ tiên tiến.

Năm 1926, hãng Rolex đã tung ra chiếc đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên của họ – ROLEX OYSTER. Trước đây, đồng hồ bỏ túi kháng nước đã được sản xuất, nhưng tính năng này chưa được đưa lên đồng hồ đeo tay. Wilsdorf đã được cấp bằng sáng chế cho bộ núm ren vặn vít xuống, nhưng nó lại không phù hợp để sản xuất đại trà. Rất may là các kĩ thuật viên của ông tại Aegler đã điều chỉnh lại thiết kế này, và cuối cùng họ đã thành công khi tạo ra được chiếc đồng hồ có chất lượng đầu bảng.

John Harwood, một thợ sửa đồng hồ tại Bolton, đã tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay tự động đầu tiên ( máy bumper lọc cọc đó anh em) . Ông bắt đầu sản xuất đồng hồ tại nhà máy đặt tại Thụy Sỹ năm 1928, những cỗ máy của ông hoạt động rất hoàn hảo, nó tích cót được tới 12 tiếng. Phát minh đã báo trước một bước tiến đột phá trong việc chế tạo đồng hồ, bởi người ta đã từng nỗ lực tạo ra đồng hồ tự động từ năm 1770, nhưng đều thất bại vì thiếu sự ổn định trong vận hành. Hãng Rolex đã cải tiến công nghệ này và áp dụng cho đồng hồ của họ – Rolex Oyster.

KẾT LUẬN PHẦN 2

Vào cuối thế chiến 2, ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ đã ở vị trí hoàn hảo. Họ đã kiểm soát thực tế gần như toàn bộ thị trường toàn cầu, với hầu hết các gia đình ở Anh và chiếm lĩnh thị trường Mĩ. Thụy Sỹ trở thành ông hoàng trong hai thập kỉ tiếp theo mà không có bất kì kẻ nào ngáng đường nổi.

Với sự giao thoa văn hóa và mở rộng thị trường, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ đã tới Nhật Bản cùng với kiến thức của mình, vô tình góp phần tạo nên một đối thủ cạnh tranh sừng sỏ trong tương lai. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ thấy nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ bị hủy diệt bởi các tay chơi mới nổi, và sự phục hồi sau đó. Câu chuyện hay vẫn còn ở phía sau!

* biên dịch có chỉnh sửa từ firstclasswatches*