LỊCH SỬ CỖ MÁY ZENITH EL-PRIMERO – HUYỀN THOẠI VỀ CHRONOGRAPH TỰ ĐỘNG

 

Khi nhắc đến những chiếc đồng hồ chronograph tự động nổi tiếng nhất kể từ khi cơ chế này ra đời tới nay, thì có lẽ vĩ đại nhất, bền bỉ nhất và có sức ảnh hưởng nhất chính là El primero của hãng Zenith. Bất cứ một ai đam mê và hiểu biết về đồng hồ đều đánh giá rất cao cỗ máy này, cả về phương diện lịch sử và giá trị sử dụng. Đó không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về những kết cấu cơ học, mà đó còn là một cuộc hành trình thật sự với đầy thăng trầm và biến cố, là lòng trung thành tuyệt đối và những trái tim dũng cảm dám đương đầu với số phận ngay cả lúc nghiệt ngã nhất, một câu chuyện cảm động và đầy nghị lực của một hãng đồng hồ lừng danh và ảnh hưởng bậc nhất trong giới đồng hồ! Kính mời anh em thưởng lãm bài viết bên dưới để có cái nhìn cận cảnh hơn về EL PRIMERO !

KHỞI NGUYÊN : TỪ AUTOMATIC ĐẾN CHRONOGRAPH AUTOMATIC ĐEO TAY

Lịch sử của những chiếc đồng hồ tự động lên dây có từ thế kỉ 18 khi Abraham Louis Perrelet phát minh ra cơ chế Rotor. Phát minh này đã được nghiên cứu và ca ngợi bởi những  thợ đồng hồ đương thời, bao gồm cả người nổi tiếng nhất là Breguet. Tuy nhiên cơ chế này không phù hợp với đồng hồ bỏ túi, vì chiếc đồng hồ không thể đạt đủ chuyển động để kích hoạt bánh đà lên cót. Bước tiến lớn diễn ra vào năm 1923 khi một nhà sản xuất đồng hồ người Anh John Harwood đã tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay tự động đầu tiên trên thế giới. ( cấp bằng sáng chế vào năm 1924 và bán thương mại vào năm 1926)

 

 

Không giống như hầu hết những chiếc đồng hồ tự động hiện đại, rotor của Harwood bị giới hạn trong một vòng cung 300 độ chứ không phải 360 độ đầy đủ. Khi đi hết vòng, thì bánh đà lên cót sẽ chạm phải lò xo và khiến nó bật sang phía bên kia – có hai bộ giảm xóc như thế gắn ở hai đầu, và người ta đặt cho nó cái tên ” Bumper” ( tự động lọc cọc). Một số chiếc đồng hồ mang nhãn hiệu Perpetual của Hardwood thiếu đi núm điều chỉnh để thiết lập cỗ máy, do nó nhấn mạnh tới tính năng tự lên dây. Thay vào đó, bộ kim của đồng hồ được thiết lập bằng một niềng bezel xoay, giống như chiếc đồng hồ bỏ túi báo thức đầu tiên trên thế giới.

Thật không may, Hardwood đã rời bỏ việc kinh doanh vào năm 1931 trong cuộc đại suy thoái. Sự phát triển của đồng hồ lên dây tự động tiếp tục với công ty của Hans Wilsdorf – Rolex. Cỗ máy tự động lên dây được thiết kế bởi Rolex có thể xoay 360 độ. Và đó là ý nghĩa đằng sau chữ ” Perpetual” ( vĩnh viễn) được viết trên mặt số đồng hồ. Rolex được cấp bằng sáng chế về rotor 360 độ và cũng vào thời gian này, các thương hiệu khác buộc phải sử dụng cỗ máy lên dây tay hoặc các cỗ máy bị cản trở kém cỏi hơn.

 

 

Có rất nhiều những cỗ máy lên dây chronograph tuyệt vời trong 100 năm qua, như longines 13ZN, valjoux 72 và Lemania CH27. Vào đầu những năm 1960, một số thương hiệu đã bắt đầu cuộc đua tranh để trở thành người đầu tiên tạo ra một cỗ máy bấm giờ tự động lên dây. Cuộc chiến diễn ra giữa 3 phe là seiko, liên minh zenith-movado-mondia, liên minh chrono matic : sự hợp tác giữa các thương hiệu lớn nhất thời đó là hamilton – buren- breitling-heuer và dubois depraz.

Breitling và Heuer là những công ty lớn nhưng có thị trường khác nhau. Breitling phổ biến ở châu âu còn Heuer lại phổ biến hơn ở Mĩ. Bằng cách làm việc cùng nhau, họ hứa hẹn tạo ra những chiếc đồng hồ tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh của họ. Hamiilton – Buren đã được lên ” chuyến tàu” vì họ là những chuyên gia trong việc chế tạo ra đồng hồ tự động nhỏ gọn ( tự động cúc áo – Buren là hãng đầu tiên sáng chế ra loại này), và Dubois Depraz là chuyên gia trong việc biến đổi các cỗ máy cơ sở thành Chronograph.

AI ĐÃ TẠO RA CHRONOGRAPH TỰ ĐỘNG ĐẦU TIÊN ?

khác với ” ai đã làm ra chiếc đồng hồ lặn đầu tiên”, theo ý kiến của tôi. Lý do mà tất cả các câu trả lời đều mâu thuẫn là bởi câu hỏi này sử dụng từ ngữ kém, nó để lại quá nhiều chỗ cho sở thích cá nhân ảnh hưởng tới câu trả lời.

Zenith là hãng đầu tiên công bố mẫu chronograph tự động của họ trong một cuộc họp báo nhỏ vào tháng 1 năm 1969, Seiko là thương hiệu đầu tiên bán ra chronograph tự động cho công chúng vào tháng 5 năm 1969, nhóm Chrono-matic là đơn vị Thụy Sĩ đầu tiên bán ra chronograph tự động vào tháng 8 năm 1969 đi kèm cỗ máy Calibre 11.

Không thể phủ nhận Seiko đã đánh bại nhóm Chrono-matic nếu tính theo tháng, Calibre 6139 là chiếc chronograph có gắn rotor đầu tiên bán ra thị trường, ly hợp dọc, bánh xe dạng cột column wheel. Nhưng vì họ là thương hiệu Nhật Bản, nên họ đã không nhận được sự công nhận xứng đáng với thành tựu đã đạt được. Nhưng chúng tôi có thể hiểu được lý do, bởi họ không hề đưa ra thông cáo báo chí bằng tiếng Anh và  tiếng Pháp, mà họ chỉ giữ tin tức ở thị trường nội địa, và ngành công nghiệp đồng hồ làm sao biết được điều gì đã xảy ra ? ( phần này mình sẽ chú thích ở bên dưới lý do của Seiko).

Sự cộng tác trong nhóm Chrono-matic là một phần của chiếc lược tiếp thị và làm việc theo nhóm thực sự tuyệt vời. Nhưng cỗ máy cal.11 của họ chỉ tồn tại một thời gian ngắn, 1 năm sau, nó đã được nâng cấp lên Calibre 12 do vấn đề trục trặc kĩ thuật ( bánh đà lên cót quá yếu và dây cót nặng nề). Vẫn có vài chiếc đồng hồ sử dụng cỗ máy này, đơn cử như Heuer Monaco – một trong số những chiếc đồng hồ dễ nhận biết nhất thời điểm đó.

THAM VỌNG BỊ TRỄ HẸN CỦA ZENITH

Kế hoạch ban đầu của Zenith là phát hành mẫu chronograph tự động đầu tiên vào năm 1965, để kỉ niệm 100 năm ra đời thương hiệu. Thật không may, sự phát triển máy El Primero đã bị trễ hẹn so với lịch trình và nó đã bị hoãn từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, Zenith El Primero đã chứng tỏ khả năng linh hoạt và tồn tại lâu dài nhất. Việc nghiên cứu và phát triển bắt đầu từ năm 1962 và ngay từ đầu, nó được định hình là một cỗ máy hoàn chỉnh hơn là một dạng mô đun. Nó cũng sở hữu một bánh xe dạng cột Column wheel chứ không phải là CAM, mặc dù bánh xe dạng cột phức tạp và tốn kém hơn.

Điều làm cho máy El Primero độc đáo, đó chính là tốc độ. Hầu hết đồng hồ ở thập niên 1960 hoạt động ở mức tần số 18.800 bph hoặc 5 nhịp mỗi giây ( bps). Hãng Seiko đã đạt được một thành tựu tần số cao với mẫu Grand Seiko 61GS vào năm 1968, nhưng đó chỉ đơn giản dành cho việc xem giờ. Zenith muốn nhiều hơn thế, đó là một cỗ máy tần số dao động cao cho phép kim Chronograph trôi mượt mà một cách đặc biệt, chính xác đến 1/10 giây. Nhưng cỗ máy tần số cao gây ra một vài vấn đề : tần số dao động càng nhanh thì càng nhiều hao mòn, buộc Zenith phải phát triển một loại dầu bôi trơn đặc biệt để có thể giữ cho việc vận hành được lâu hơn so với loại truyền thống. Họ cũng tăng lượng trữ cót lên tới 50 giờ để bù đắp cho sự gia tăng lượng tiêu hao. Những thách thức này đã khiến El Primero bị trì hoãn chậm vài năm so với dự kiến. ( bộ điều chỉnh tần số cao của El Primero được giao cho FAR đảm nhiệm phát triển – một đơn vị chuyên sản xuất bộ thoát, neo…. Sau này sáp nhập với Nivarox)

El Primero có nghĩa là ” đầu tiên” trong hệ thống quốc tế ngữ Esperanto. Đây là hệ thống ngôn ngữ được xây dựng và phát triển vào những năm 1870 bởi LL Zamenhor, một bác sĩ nhãn khoa Do Thái gốc Ba Lan từ Bialystok. El Primmero là một cái tên tuyệt vời cho một cỗ máy tuyệt vời.

Zenith đã phát hành hai cỗ máy vào năm 1969, đường kính 30mm và cao 6.5 mm. 3019 PHC là cỗ máy mà hầu hết mọi người liên kết nó với El Primero, bố cục theo dạng Tri-Compax, ô lịch ngày ở góc 4h30. Một cỗ máy khác là 3019 PHF đã bổ sung một ô lịch tuần trăng vào góc 6 giờ. Zenith đã phát hành một số chiếc đồng hồ trong thời kì đầu của El Primero từ 1969 – 1975.

Do sự cộng tác giữa Movado và Zenith ( từ 1969 đến 1984) nên một vài mẫu của Movado cũng sử dụng máy El Primero.

SUY THOÁI TRONG MAY MẮN – CÂU CHUYỆN VỀ KẺ GÀN DỞ VĨ ĐẠI

Mặc dù đạt nhiều thành tựu kĩ thuật, việc tiếp tục sử dụng cỗ máy El Primero đã bị loại bỏ khi thương hiệu này được mua lại bởi tổng công ty đài phát thanh Zenith ( viết tắt là ZRC) vào năm 1971. Sau 4 năm, chủ sở hữu mới đã quyết định chuyển đổi từ máy có khí sang máy thạch anh. Quyết định đúng nhưng tầm nhìn rất ngắn hạn, ZRC đã yêu bán tháo hàng tấn máy ép, dụng cụ sản xuất cơ khí cho nhà thầu trả giá cao nhất, tất cả các bản nháp hoặc tài liệu kĩ thuật đều bị loại bỏ.

Quyết định của ZRC là một minh chứng hoàn hảo cho tư duy của một số người trong thập niên 1970 đối với đồng hồ cơ khí, tất cả chỉ là công nghệ chứ không phải là tạo ra một sản phẩm sang trọng cho người đam mê. Tất nhiên, về lâu dài công nghệ thạch anh sẽ không được chấp nhận như một đối tượng có giá trị như đồng hồ cơ khí, nhưng thập niên 1970 thì không ai đoán được điều đó. Hành động ngớ ngẩn nhất và bị cho là ngu xuẩn nhất, đó là phá hủy các tài liệu và bản thảo kĩ thuật, phá hủy công cụ là một chuyện, nhưng phá hủy thông tin thì đó thực sự là một tội lỗi, nhưng điều kì diệu đã xảy ra. ( cùng thời điểm đó, một quyết định tương tự cũng được đưa ra bởi ban lãnh đạo Valjoux là ngừng sản xuất máy 7750, người ta gọi nó là khủng hoảng thạch anh, rất nhiều công ty và nhà máy đồng hồ bị phá sản ở thời điểm này).

Quý ông Charles Vermot là quản đốc của cơ sở sản xuất Workshop 4, ông là một chuyên gia về xây dựng máy Chronograph. Trước khi làm việc tại Zenith, ông từng làm việc tại Martel Watch Company, một nhà sản xuất chuyên về chronograph và được Zenith mua lại vào đầu thập kỉ 1960. Khi người ta đến để đưa máy móc đi bán phế liệu, Vermot đã viết thư cho trụ sở chính ở ZRC, van nài họ xem xét lại. Lời thỉnh cầu của ông không bao giờ được hồi âm, vì vậy Vermot đã tự thân vận động. Vài buổi đêm, Vermot đã làm che giấu tất cả 150 máy ép, các CAM, dụng cụ cắt và bản vẽ thiết kế trong thùng gỗ. Giống như bất kì thợ đồng hồ siêng năng nào, ông lưu trữ hồ sơ tỉ mỉ nhất trong các bộ kẹp hồ sơ và giấu kín trên gác mái của phòng sản xuất. tòa nhà Martel Watch Company cũ chính thức bị đóng cửa năm 1975.

Sau khi thời kì tiếp quản của ZRC kết thúc vào năm 1978, Zenith lại quay về dưới vòng tay kiểm soát của Thụy Sỹ, và các ông chủ sở hữu mới muốn bắt đầu chế tạo đồng hồ cơ khí một lần nữa. Tuy nhiên, nếu không có dụng cụ thì họ sẽ mất một khối tài sản để tái khởi động công việc sản xuất El Primero. Hành động đầy thách thức của ông Vermot khi xưa đã cứu được Zenith, ông đã chỉ cho họ thấy vị trí của các công cụ và máy móc, bao gồm cả các thùng chứa Calibre 3019 PHC tháo rời mà Zenith sẽ bán cho Ebel vào năm 1983. ( thời kì này, Zenith đi vào hoạt động lại nhờ sự hỗ trợ của hãng Ebel và sự bảo trợ của đơn vị chủ quản là tập đoàn Dixi)

PHỤC SINH : ROLEX VÀ ZENITH

Khoảng thời gian Zenith trở lại làm đồng hồ, Rolex đã bắt đầu quan tâm đến việc nâng cấp bộ sưu tập Chronograph cổ điển của họ – Daytona. Từ năm 1961, Daytona đã sử dụng các biến thể của máy Valjoux 72, lên dây cót tay, ở dạng máy đồng hồ dao động tiêu chuẩn với bốn biến thể bao gồm : 72B, 772, 772-1 và 727. Vào giữa những năm 80, Rolex bắt đầu tìm kiếm một cỗ máy tự động có thể thay thế Valjoux 72, hãng Zenith tin rằng họ chính là lựa chọn tốt nhất. Rolex cảm thấy thích thú với ý tưởng đó và đề xuất rằng nếu Zenith có thể tiếp tục sản xuất El Primero thì họ sẽ có hợp đồng : trị giá khoảng 7 triệu franc Thụy Sĩ cho 10 năm hợp tác. Chủ tịch của Zenith khi đó là Francois Manfredini đã giao chiếc Rolex El primero đầu tiên – chạy máy Calibre 4030 vào năm 1986, và tới năm ,1989 Rolex ra mắt chiếc Daytona Ref.16520, nó được trang bị một bộ thoát lớn hơn, lò xo cân bằng với Breguet overcoil, tốc độ dao động giảm từ 36.000 bph xuống còn 28.800 bph và xóa bỏ lịch ngày.

Vào thời điểm hoàn thành máy cho Rolex, chỉ còn lại khoảng 50% các thành phần gốc. Rolex đổi tên cỗ máy thành 4030, và luôn giữ kín tên của những nơi mà họ đã mua máy đồng hồ. Cho tới tận ngày nay họ vẫn không hề đề cập đến sự tham gia của Zenith trong sự trỗi dậy của dòng Daytona trên trang chủ chính thức ( thực ra nhiều hãng cũng làm vậy chứ không riêng gì Rolex). Từ 1989 đến 2000, hàng trăm ngàn cỗ máy El Primero đã được bàn giao cho Rolex.

VỀ TAY LVMH : TRỖI DẬY MẠNH MẼ

Zenith từ khi về tay người Thụy Sĩ dưới sự kiểm soát của Dixi group, mặc dù vẫn hoạt động nhưng hầu như họ chỉ bán máy đồng hồ là chủ yếu, cỗ máy El Primero thường xuất hiện bởi các thương hiệu khác và rất hiếm khi dùng trong đồng hồ Zenith – chủ yếu là ở dạng phiên bản đặc biệt hoặc kỉ niệm, lác đác ở trong các thời điểm 1984, 1990 và 1991. Sự tự chủ vẫn chưa có được trong thời gian này.

Mãi tới tháng 11 năm 1999, tập đoàn xa xỉ phẩm Louis Vuitton Moet Hennessy SA của Pháp, viết tắt là LVMH đã thông báo, họ mua lại nhãn hiệu đồng hồ Zenith cùng với Ebel. ( ebel tách ra năm 2003). Ngay từ lúc mua vào, Zenith đã nhanh chóng được định vị là nhãn hiệu đồng hồ sang trọng, nhân sự mới được bổ nhiệm là ông Thierry Nataf chịu trách nhiệm là chủ tịch kiêm thiết kế mô hình mới, đã thổi làn gió phục sinh cho Zenith, kể từ đây mọi thứ sẽ được xoay quanh phẩm chất huyền thoại El Primero, nó sẽ không phải làm việc trong bí mật nữa mà sẽ được sản xuất dưới dạng đồng hồ Zenith thương mại với số lượng lớn. Bản thân Zenith cũng nhanh chóng trở thành một ” kẻ đặc biệt ” trong LVMH khi họ trở thành một nhà chuyên sản xuất và cung cấp máy đồng hồ cho các nhãn hiệu nội bộ cũng như bán ra một phần cho bên ngoài.

Trong khi Rolex là công ty nổi tiếng nhất sử dụng máy El Primero, thì bên cạnh đó ta còn vài hãng khác. Như Panerai đã sử dụng máy 3019 PHC trong một số mẫu Chronograph Luminor của họ, Tag Heuer đã tùy chỉnh lại thành máy Calibre 36 của họ, sử dụng trong Monaco 24 series và Bvlgari dùng cho Octo Velocissimo. ( ngoài ra còn nhiều hãng khác như Daniel roth, Chaumet, Dior, Hublot).

Zenith đã không ngồi yên với vinh quang của mình, họ đã tìm cách cải biến El Primero ít nhất 24 lần, có cả tourbillon, skeleton….. Với hơn 70 bản tham chiếu. Phiên bản mới nhất được đặt trong chiếc El Primero 21, với bộ Chronograph tách riêng, có bộ trữ cót riêng và vận hành ở 50hz.

hiện nay, El Primero đã là một thương hiệu về chronograph tần số cao tạo nên tên tuổi cho Zenith, sau 49 năm, El Primero vẫn là đỉnh cao trong các dòng máy chronograph có thể sản xuất hàng loạt! Sản lượng của dòng máy này liên tục tăng cao, đạt đỉnh lên tới hơn 50.000 máy mỗi năm, vừa sử dụng vừa bán và nhu cầu ngày càng tăng mạnh tới nỗi Zenith không đáp ứng nổi và phải mua thêm bên ngoài để bù đắp sự thiếu hụt thay thế theo kiểu đẩy nấc  ( dòng giá rẻ mua từ Sellita).

KẾT LUẬN

Câu chuyện của El Primero là một huyền thoại, và sự phát triển dòng máy này vẫn luôn luôn là một huyền thoại có thật về sự bền trí và trung thành đến cùng với những giá trị mang tính trí tuệ. Đối với những người chơi đồng hồ kì cựu, điều làm cho trái tim họ thổn thức không chỉ đơn giản là sức mạnh cơ khí, mà còn cần phải có một câu chuyện thật hay để họ có thể tự hào và kể cho mọi người cùng nghe về chiếc đồng hồ mà mình đang đeo – đó chính là giá trị tinh thần bất diệt! Năm tháng sẽ trôi qua, con người rồi sẽ già đi, máy móc cũng sẽ hao mòn, nhưng lịch sử thì vẫn sẽ còn nguyên vẹn mãi mãi cho muôn đời sau !

BỔ SUNG 1 CHÚT VỀ SEIKO

truyền thông và sách sử đồng hồ phương tây thường đề cập chi tiết về cuộc đua Chronograph tự động 3 bên, gồm nhóm Chronomatic – nhóm Zenith + movado + mondia – và Seiko. Thực tế là Seiko có tham gia sản xuất nhưng họ không ý thức tham gia cuộc đua, chỉ đơn giản là sản xuất – tức là họ chỉ tình cờ tham gia và phát hành đồng hồ một cách lặng lẽ tại Nhật ! Thời kì này Seiko dồn lực cho việc phát triển mẫu đồng hồ thạch anh đầu tiên trên thế giới – sau đó họ đã thành công. Còn đối với Chronograph tự động, họ chỉ đơn giản coi đó là một dự án, không đua tranh và đó là lí do mà người phương tây mãi sau này mới biết thông qua sách báo nội địa Nhật Bản. Thời điểm này cuộc đua tranh về dự án quartz khốc liệt hơn nhiều diễn ra giữa liên minh thạch anh CEH Thụy Sỹ, dẫn đầu bởi Omega và Seiko.

Ceo của Seiko thời kì đó có qua triển lãm Basel, ông có gặp Ceo của hãng Tag và tình cờ biết được dự án của họ lại thành công đúng vào thời điểm mà nhiều hãng Thụy Sĩ đang đua tranh. Điều thú vị là cả 3 bên đều cho ra mắt đồng hồ bấm giờ tự động cùng 1 thời điểm là năm 1969 dù khác biệt về tháng, và nó cũng nhanh chóng lụi tàn quên lãng bởi sự kiện ra mắt đồng hồ thạch anh của Seiko – dẫn tới cuộc chiến khốc liệt hơn sau đó có tên là ” khủng hoảng thạch anh” và dẫn tới sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống sản xuất đồng hồ cơ khí tại Thụy Sĩ.

*bài viết được biên dịch, tổng hợp, bổ sung và viết bởi LÊ HOÀNG THẠCH*