ROBOT HÚT BỤI - LAU NHÀSản phẩm khác

HỆ THỐNG TRIỆN KIM LOẠI QUÝ HALLMARKS THỤY SỸ – LỊCH SỬ VÀ KÍ HIỆU (P1)

I.KHỞI NGUỒN CỦA CỦA TIÊU CHUẨN KIM LOẠI QUÝ VÀ KÍ HIỆU HALLMARKS

Các tiêu chuẩn dành cho kim loại quý ở Thụy Sỹ bắt nguồn từ Geneva vào thế kỉ 15, những quy định đầu tiên này có liên quan đến tuổi và và triện bạc đã được Đức giám mục John của Brogny ban hành vào năm 1424, sau đó nó được áp dụng cho cả Neuchatel và Schaffhausen. Các tiêu chuẩn vàng và bạc này có một hệ thống kiểm nghiệm và đóng dấu riêng rất độc đáo. Ban đầu nó được đóng dấu và kiểm soát bởi các hiệp hội địa phương.

Từ thế kỉ 17, một ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ quan trọng đã phát triển ở geneva và vùng núi jura. Với sự xuất hiện của nhà nước liên bang, các nhà chế tạo đồng hồ đã bắt đầu vận động quốc hội liên bang để có thể kiểm soát tốt hơn tuổi của vàng và bạc, giúp duy trì danh tiếng của họ.Trong cuốn ” cẩm nang về kí hiệu ” của Markhem có nói rằng, văn phòng khảo nghiệm đầu tiên đã được thành lập tại Geneva vào ngày 22 tháng 9 năm 1815, và sau đó lập thêm chi nhánh số 2 đặt ở Neuchatel vào năm 1839. Các văn phòng khảo nghiệm này được thành lập dựa trên luật pháp, thay thế cho hệ thống quy định của các hiệp hội có từ thời trung cổ.

 

 

Nhà nước Liên Bang Thụy Sỹ được thành lập từ 1848, các nhà lập pháp ban đầu đã soạn thảo văn bản và trao quyền tự quyết cho các bang về vấn đề kiểm soát kim loại quý. Không chịu thua, vào ngày 1/7/1850, 548 đơn vị bao gồm cả công ty, thợ thủ công, nhà máy ở La Chaux De Fonds đã đứng tên yêu cầu một loại kí hiệu chung cho cả liên bang, và gửi nó tới hội đồng quốc gia. Ngày 16/8/1850, hội đồng liên bang đã nài xin quốc hội bác bỏ đề xuất này vì cho rằng nó trái với tự do thương mại, và nói rằng mọi người dân vẫn cảm thấy thoải mái khi mua loại vỏ đồng hồ rẻ hơn, chất lượng thấp hơn. Các kiến nghị của hội chế tạo đồng hồ bị loại bỏ, nhưng họ vẫn kiên trì vận động hành lang.

 

 

Những năm thập niên 70 thế kỉ 19, do sự giúp sức đồng tình của Mĩ và Pháp, đã xảy ra việc các nhà chế tạo vỏ đồng hồ bất lương ở Thụy Sỹ đã lừa dối về độ tinh khiết trong vỏ của họ ( vàng ko đúng tuổi) gây tổn hại nghiêm trọng tới danh tiếng của các nhà sản xuất Thụy Sỹ, cùng với đó là sự nổi lên của kĩ nghệ đồng hồ Mĩ đã dần đẩy đồng hồ Thụy Sỹ vào thế hạ phong. Trước tình hình đó trong 2 năm 1876-1877, đã có tới 2154 thợ và nhà xưởng ở Romandy và Bern đã đứng tên một bản kiến nghị  dày 80 trang. Đại biểu ở quận Neuchatel,  ngài Numa Droz cuối cùng đề xuất thành công một biện pháp kiểm soát vàng và bạc vào năm 1880, với các loại kí hiệu cơ bản mà sau đó được đóng lên vỏ đồng hồ.

                                                  ngài Numa Droz

Những kí hiệu này ( Hallmarks) ban đầu được sử dụng cho các tấm, chai lọ hay chân nến…. Chúng không được sử dụng cho vỏ đồng hồ. Cho tới năm 1880 khi đạo luật kiểm soát kim loại quý được ban hành, những chiếc đồng hồ Thụy Sỹ bắt đầu được đóng triện tuổi vàng, thường là 14k – một tiêu chuẩn cực kì phổ biến thời đó trên lục địa Châu Âu, còn đồng hồ bằng bạc thường chỉ đóng triện rất đơn giản là ” Fine Silver” hoặc ” Argent Fin”, một tiêu chuẩn không xác định rõ tuổi bạc.

Ở Thụy Sỹ khi đó, người ta được phép sử dụng kim loại cơ bản cho Cuvette – vỏ lót bảo vệ cỗ máy, nó thường làm bằng đồng sau đó mạ bạc, được đóng dấu là ” Cuivre” hoặc ” Metal”. Nhưng điều này lại không được chấp nhận trong những chiếc đồng hồ được sản xuất bởi Anh Quốc. Cuvette bắt buộc phải được làm từ vật liệu giống hệt với phần còn lại của thân vỏ, nếu không thì văn phòng khảo nghiệm Anh sẽ từ chối đóng dấu.

Mặc dù ở Thụy Sỹ, đạo luật năm 1880 đã xác định rõ các  tiêu chuẩn đối với vỏ đồng hồ bằng vàng và bạc, nhưng đạo luật nhãn hiệu hàng hóa Anh Quốc năm 1887 đã gây ra những sự biến động và thay đổi về bộ triện của Thụy Sỹ ( do thụy sỹ hay đem hàng đi xuất khẩu) đặc biệt là với hai tiêu chuẩn bạc không được chấp nhận ở Anh, đã buộc Thụy Sỹ tạo ra một thương hiệu quốc gia của riêng họ, hay còn gọi là nhãn hiệu thương mại ” Swiss Made”.

Chiều dài lịch sử phát triển của dòng hallmarks Thụy Sỹ khá phức tạp, nó gắn liền với chiến tranh, thị trường khá nhiều, tuy nhiên ta có thể chia nó ra làm 4 giai đoạn :

1. Tk 15 đến trước 1880 : thời kì tự trị ở các bang
2. Từ 1880 đến trước 1933 : hình thành những con dấu chính thức đầu tiên. 
3. Từ 1933 đến trước 1995 : thay đổi về triện bạc và bạch kim. 
4. Từ 1995 đến nay : thống nhất bằng triện đầu chó sr.bernard cho tất cả kim loại quý.

II.ĐẠO LUẬT KIỂM SOÁT KIM LOẠI QUÝ THỤY SỸ VÀ HỆ THỐNG KÍ HIỆU CHUNG 1880-1933-1995

Đạo luật kiểm soát kim loại quý Thụy Sỹ ban hành ngày 23 tháng 12 năm 1880, đã giới thiệu một hệ thống  kí hiệu thống nhất trên toàn lãnh thổ dành cho vỏ đồng hồ kim loại quý, hiển thị bên trong hình dưới đây. Chúng thường được nhìn thấy trên đồng hồ thụy sỹ vỏ vàng hoặc bạc, kể cả hàng xuất sang Anh từ 1880 đến 1907. Những triện này sẽ gồm một kí hiệu hình tượng và một chữ cái đại diện cho thị trấn đặt văn phòng chứng nhận kim loại ( dấu X trên hình), cụ thể hơn :

A. TRIỆN KIM LOẠI QUÝ NỘI ĐỊA (1880 )

 

1. Triện Helvetia ( bà đầm) cho vàng 18k 750 
2. Triện con sóc: vàng 14k (583)
3. Triện con gấu :  bạc 875
4. Triện chim trĩ : bạc 800
5. Triện sơn dương :  bạch kim 950

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, sẽ có sự bổ sung của bộ triện kim loại quý dành riêng cho vỏ nhập khẩu vào Thụy Sỹ bắt đầu từ 16/6/1917 , bao gồm :

B. TRIỆN KIM LOẠI QUÝ NHẬP KHẨU (1917 – TRƯỚC 1933)

 

1. Triện đầu linh miêu ( Lynx) : Vàng 14k 583 hoặc cao hơn
2. Triện hoa nhung tuyết ( edelweiss – quốc hoa của Thụy Sỹ) : bạc 800 hoặc cao hơn
3. Triện “E” ( étranger – nước ngoài) : bạch kim 950 hoặc cao hơn 
4. Triện “A” ( Ausland ) : vàng có độ tinh khiết bé hơn 14k và tối thiểu 8k.

Thời kì này cũng sẽ có sự thay đổi và biến động liên quan đến thị trường nước ngoài, do Thụy Sỹ rất mạnh về xuất khẩu, điển hình là sang Đức ( thay đổi cho vàng 14k thành 585) hay sang Anh ( bạc 935, 925 và vàng 755). Từ ngày 1/6/1907, các bộ triện của Thụy Sỹ bắt đầu bị loại bỏ dần trên đồng hồ xuất Anh, mà thay vào đó là bộ kí hiệu của riêng nước Anh đóng cho vỏ đồng hồ nhập vào ( tùy trường hợp, cũng có bộ vỏ sẽ có cả triện Anh lẫn Thụy Sỹ) . chính sự lằng nhằng này đã dẫn tới xuất hiện những bộ vỏ không thống nhất, kì quái về cách đóng triện, mà điển hình là :

C.TRIỆN XUẤT KHẨU TK19

1. Triện 3 helvetia ( 3 bà đầm) : vàng 18k 755


2. Triện 2 con sóc : vàng 14k 585


3. Triện 3 con gấu : bạc 935

Sau thế chiến 1 khiến nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là bạch kim từ thị trường Nga, người ta đã yêu cầu hiện đại hóa đạo luật kim loại quý. Đề xuất được đưa ra năm 1925, đến năm 1931 được soạn thảo, tới 20/6/1933 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 1-7-1934. Với bộ triện cụ thể như sau :

D. TRIỆN KIM LOẠI QUÝ NỘI ĐỊA  (1933 ĐẾN TRƯỚC 1995)

1. Triện helvetia ( bà đầm ) : vàng 18k (750)
2. Triện con sóc : vàng 14k ( 585 cao hơn bản cũ chỉ 583)
3. Triện cây chùy gai : vàng 9k 375
4. Triện con vịt : bạc 925 ( thay triện con gấu)
5. Triện chim trĩ : bạc 800
6. Triện con dê : platinum 950 ( thay triện sơn dương ).

                                                            triện đầu sóc và đầu chó

E. TRIỆN KIM LOẠI QUÝ NHẬP KHẨU ( SAU 1933)

1. Triện đầu linh miêu 1 ( lynx 1 ) : vàng 18k 750
2. Triện đầu linh miêu 2 ( lynx 2 ) : vàng 14k 585
3. Triện ” TB” ( Titre Bas – tiêu chuẩn cấp thấp) : vàng 9k 375
4. Triện bông hoa 1 : bạc 925
5. Triện bông hoa 2 : bạc 800
6. Triện đầu thỏ : platinum 950

F. KÍ HIỆU “X” – NƠI ĐÓNG DẤU

Bên trong mỗi bộ triện, sẽ có một chữ ” x” nhỏ ( trong các ảnh trên), nó là biểu thị của nơi đặt văn phòng khảo nghiệm Thụy Sỹ, hoặc nơi mà vật phẩm được đóng dấu và kiểm tra. ” x” sẽ được biểu thị bằng một chữ cái, ví dụ như ” G” là Geneve, ” N” là Neuchatel”, ” C” là La Chaux De Fonds…. Cụ thể các bạn tham khảo ảnh thống kê bên dưới đây.

cho tới năm 1995, đạo luật được cải cách với hệ thống kí hiệu dành cho vỏ đồng hồ đã được thu gọn lại, với một triện đầu chó St.Bernard. Theo luật này ,tất cả vỏ đồng hồ nhập khẩu, hoặc sản xuất tại Thụy Sỹ bằng Bạc, vàng, bạch kim hay paladi phải được đóng dấu đầu chó + dấu nhà sản xuất + dấu tuổi vàng. Bên cạnh đó, tất cả mặt hàng kim loại quý ( có cả vỏ đồng hồ) cũng sẽ phải đóng dấu kiểm soát chung ( triện cân tiểu ly ) theo công ước quốc tế.

G. TRIỆN KIM LOẠI QUÝ TỪ 1995 ĐẾN NAY

Chú chó bên trong hình thuộc giống chó Bernard, nó có tên là Barry ( 1800-1814). Đây là chú chó cứu hộ vô cùng nổi tiếng tại các khu vực núi ở Thụy Sỹ và Ý. Trong suốt cuộc đời nó đã cứu sống được hơn 40 người, và người ta đã gọi chú chó với cái tên tôn kính là ” thánh Barry” – tức ” St.Bernard”. Sau khi chết, xác của nó đã được chuyển tới bảo tàng lịch sử tự nhiên Bern, Thụy Sỹ.

H. HỆ THỐNG CẤU THÀNH BỘ TRIỆN KIM LOẠI QUÝ DÀNH RIÊNG CHO VỎ ĐỒNG HỒ SAU NĂM 1995 TẠI THỤY SỸ ( NỘI ĐỊA)

Bộ kí hiệu/triện đối với vỏ đồng hồ Thụy Sỹ bao gồm :

1. Kí hiệu trách nhiệm ( nhãn hiệu nhà sx hoặc tài trợ) 
2. Kí hiệu về tuổi kim loại quý 
3. Triện chính thức của Thụy sỹ – cái này buộc phải có và hiện nay là triện đầu chó.

Dưới đây là bản mẫu :

còn ảnh này là ví dụ ( triện cân tiểu ly ta sẽ bàn sau nhé) : bạn có thể thấy bên ảnh dưới, đồng hồ vỏ vàng đi kèm đủ bộ 3 triện cấu thành gồm : nhãn hiệu ( hãng baume mercier) + triện đầu chó + triện tuổi vàng au 750. do nó có thể dùng xuất khẩu nên sẽ có thêm triện cân tiểu ly dành cho thị trường các nước đã kí hiệp ước với nhau về kim loại quý, ta sẽ bàn sau. 

1.Responsibility Mark – triện trách nhiệm

Về ” kí hiệu trách nhiệm” hay triện nhãn hiệu, nó dành cho các loại mặt hàng hợp kim, hoặc mạ được bán ở Thụy Sỹ, và bắt buộc phải có. Nó gọi là ” Responsibility Mark“. Hệ thống kí hiệu này được đăng kí tại văn phòng trung tâm kiểm soát kim loại quý ở Berne, sổ đăng kí hiện nay có khoảng 15.000 lượt đăng kí cả trong lẫn ngoài nước. nó sẽ bao gồm cả hệ thống triện xuất xứ poincons de maitre hôm trước mình đã viết.

2. TRIỆN TUỔI KIM LOẠI QUÝ (1995-NAY)

Bên cạnh đó, ta sẽ có bộ kí hiệu về tuổi kim loại quý ( nội địa) được chấp nhận bởi luật pháp là :

A. Vàng :

1. Vàng 375 : kí hiệu ” 375″ hoặc ” Au 375″ hoặc “Gold 375” 
2. Vàng 585 : tương tự
3. Vàng 750 : tương tự
4. Vàng 916 : tương tự
5. Vàng 999 : tương tự

B. bạc .

1. Bạc 800 : “800” hoặc “Ag 800” hoặc ” Silver 800″
2. Bạc 925 : tương tự
3. Bạc 999 : tương tự

C. Bạch kim

1. Bạch kim 850 : “Pt 850” hoặc ” Platinum 850″
2. Bạch kim 900 : tương tự
3. Bạch kim 950 : tương tự
4. Bạch kim 999: tương tự

D. Palladi

1. Palladi 500 : “Pd 500” hoặc ” Palladium 500″ 
2. Palladi 950 : tương tự
3. Palladi 999 : tương tự

III. CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TRIỆN KIM LOẠI QUÝ. ( TRIỆN CÂN TIỂU LY)

Đọc xong các phần bên trên, nhiều bạn sẽ thắc mắc về cái triện cân tiểu ly mà không thấy mình nói tới. Vậy thì nó là cái gì?

Thứ nhất, cũng phải nói rõ triện cân tiểu ly này nó không phải là loại triện nội địa Thụy Sỹ, nên những sản phẩm nếu chỉ bán tại thị trường nội địa Thụy Sỹ, hay nội địa các quốc gia khác nhau thì không cần. Nhưng vấn đề là Thụy Sỹ chuyên về xuất khẩu, nên đa số đồng hồ vỏ vàng, bạc, bạch kim các bạn đều thấy đóng thêm triện cân tiểu ly.

                                 triện đầu chó và triện cân tiểu ly của rolex

Lật một chút lịch sử, trước đây, và cho tới tận ngày nay thì các quốc gia đều sử dụng những bộ triện kim loại quý khác nhau, và mỗi quốc gia đều có văn phòng kiểm nghiệm tuổi kim loại quý riêng. Mỗi khi xuất khẩu đồng hồ sang, thì vì lý do bảo hộ nội địa, như trường hợp Anh và Thụy Sỹ thế kỉ 19, dẫn đến việc dù đã kiểm định ở quốc gia mình, nhưng sang quốc gia khác lại bắt lôi vỏ ra kiểm định lại lần 2! Rất mất công và phiền phức, lại làm tăng nguy cơ xung đột thương mại. Chính vì thế, sau này các cường quốc về xuất khẩu nữ trang, đồng hồ như Mĩ, Anh, Pháp, Thụy Sỹ …. Đã phải ngồi lại với nhau để tạo ra một bộ luật chung, một quy ước chung và một con dấu chung, đó chính là cái triện cân tiểu ly mà các bạn thường thấy.

                                              hiệp hội quy ước quốc tế CCM

                                   các loại kim loại quý được công nhận

Công ước quốc tế này có tên đầy đủ là ” Convention on the Control and Marking Of Articles Of Precious Metals” – công ước kiểm soát và đánh dấu kim loại quý, thường viết tắt là ” CCM”. Đây là một hiệp ước quốc tế giữa các quốc gia nằm trên tuyến thương mại xuyên biên giới, được kí kết tại Vienna, Áo vào tháng 11 năm 1972 và có hiệu lực vào năm 1975.

Dấu kiểm soát quốc tế CCM của công ước, có tư cách pháp lý tương đương với văn phòng kiểm nghiệm quốc gia ở từng nước, được kiểm định theo một phương pháp chung thống nhất. Nó cũng có nghĩa là : một khi đã đóng được con dấu này lên vỏ, thì KHÔNG PHẢI KIỂM TRA LẠI ở các quốc gia đã tham gia công ước! Rất tiện lợi phải không!

                                 bộ triện quốc gia các nước tham gia hiệp ước

Triện này có hình dạng một cái cân tiểu ly, ở chính giữa sẽ có đề kí hiệu tuổi kim loại đến hàng phần ngàn. Có 4 loại kim loại quý được chứng nhận là : vàng. Bạc, bạch kim và Palladium. Hình ảnh tham khảo mời các bạn xem bên dưới đây.

Triện cân tiểu ly thường được đóng ngay cạnh bộ triện nội địa. Bao gồm : triện CCM + triện quốc gia + triện tuổi kim loại + triện trách nhiệm ( nhà sản xuất hoặc nhà tài trợ).

                                          đây là bộ kí hiệu mẫu dành cho thụy sỹ

                                                    đây là của anh quốc! 

DANH SÁCH CÁC QUỐC GIA THAM GIA KÍ KẾT CCM 

AUSTRIA (1975), CROATIA (2018), CYPRUS (2007), CZECH REPUBLIC (1994), DENMARK (1988), FINLAND (1975), HUNGARY (2006), IRELAND (1983), ISRAEL (2005), LATVIA (2004), LITHUANIA (2004), NETHERLANDS (1999), NORWAY (1983), POLAND (2005), PORTUGAL (1982), SLOVAKIA (2007), SLOVENIA (2009), SWEDEN (1975), SWITZERLAND (1975), UNITED KINGDOM (1976).

 bảng tra cứu triện quốc gia 

* biên dịch bởi Lê Hoàng Thạch*