ROBOT HÚT BỤI - LAU NHÀSản phẩm khác

HỆ THỐNG TRIỆN KIM LOẠI QUÝ HALLMARKS THỤY SỸ (P2) : TỪ XUNG ĐỘT DẪN TỚI THAY ĐỔI!

Ở bài trước, tôi đã giới thiệu đến cho các bạn hệ thống kí hiệu, kèm theo phương pháp đóng triện của Thụy Sỹ dành cho vỏ kim loại quý. Ở bài thứ 2 này, chúng ta sẽ đi sâu vào việc xem xét, phân tích các vấn đề lịch sử đối với một vài trường hợp biến đổi triện, chủ yếu đến từ vấn đề xuất khẩu đồng hồ sang các thị trường khác nhau, đặc biệt là thị trường Anh. Để có thể hiểu được lí do tại sao ở các thời kì khác nhau lại có những bộ triện khác lạ, khó hiểu. Kính mời các bạn cùng đọc.

VỀ TRIỆN CON SÓC 14K ( NỘI ĐỊA VÀ XUẤT KHẨU)

For any enquires please contact Watch Club London / watchclub.com

Tiêu chuẩn và kí hiệu này được công nhận bởi đạo luật Thụy Sỹ năm 1880, đây là một chuẩn rất phổ biến trên lục địa Châu Âu trong nhiều năm. Độ tinh khiết ban đầu theo luật pháp tới trước 1933 là 583 ( 58,3%), thể hiện bởi một con sóc. Nhưng sau 1933 đến nay nó bị đổi thành 585, sau đây là các vấn đề phát sinh khiến độ tinh khiết thay đổi.

                                   bảng kí hiệu – vàng 14k lúc này là 583!

14k vàng vốn có tỉ lệ phần trăm không phải là một số tròn : 14/24 ta có kết quả là 0,5833…33 dài đến vô tận, chính quyền Thụy Sỹ đã làm tròn số này xuống còn 0,583, nhưng một số quốc gia như Đức đã làm tròn số này lên tới 0,585. Và để phù hợp cho tiêu chuẩn trên, cơ quan kiểm định Swiss Bureau De controle đã được phép đóng dấu các bộ vỏ mới, với độ tinh khiết 0,585 đi kèm với bộ triện 2 con sóc, một lớn và một nhỏ nằm ở hai bên triện tuổi vàng, ngay trong hình dưới đây. Cho tới 1933, khi đạo luật kim loại quý sửa đổi, độ tinh khiết 585 đã chính thức được đưa vào áp dụng cho các loại vỏ 14k do Thụy Sỹ sản xuất, lúc này chỉ cần 1 con sóc là đủ.

                                            triện xuất đức với 2 con sóc!

                                            triện vàng 585 từ 1933-1995

VỀ VÀNG 9K VÀ 12K

triện vàng 9k chính thức hình cây chùy gai(375)

Ban đầu, đạo luật kim loại quý Thụy Sỹ năm 1880 chỉ công nhận vàng 18k và 14k là tiêu chuẩn vàng hợp pháp. Nhưng nó lại đem tới một vấn đề lớn cho các nhà sản xuất vỏ Thụy Sỹ, vì vàng 9K rất phổ biến ở Anh Quốc, nó là loại hợp kim vàng rẻ nhất ở đây nhưng ở Thụy Sỹ nó là bất hợp pháp ! Đương nhiên các nhà sản xuất Thụy Sỹ không hề muốn bỏ lỡ thị trường béo bở này nên đã đóng dấu 9C lên vỏ , nhưng là tự đóng chứ không qua tay văn phòng khảo nghiệm Thụy Sỹ, hoặc là họ tự mang sang Anh để kiểm định tại đây ( đến trước 1888 thì bị các nhà sản xuất ở Anh Phản đối nên chững lại và dừng hẳn vào 1907).

Đầu năm 1924, các nhà sản xuất Thụy Sỹ đã kiến nghị hội đồng liên bang, cho phép vỏ đồng hồ bằng vàng 9k và 12k được thử nghiệm và đóng dấu trên đất Thụy Sỹ, và sau đó nhà nước liên bang đã cho phép được đóng triện độ tinh khiết là ” 9C” hoặc ” 0,375″, kèm theo triện dấu thập tự đại diện cho liên bang, quy định này bắt đầu từ 1-4-1924.

                               triện vàng tạm thời dành cho vỏ 9k xuất khẩu

Cho tới năm 1933, chính quyền Thụy Sỹ đã chính thức công nhận vàng 9K là tiêu chuẩn hợp pháp bằng cách sửa đổi luật kim loại quý, nhưng chỉ dành riêng cho vỏ đồng hồ. Kí hiệu mới ra đời có hình một cây chùy gai.

VÀNG 18K 0,755 XUẤT ANH

Triện vàng 18k có biểu tượng đầu nữ nhân cách hóa Thụy Sỹ, tên là Helvetica. Vàng 18k có thể hiểu là độ tinh khiết 75% hoặc 0,75, lấy từ tỉ lệ 18/24. Tuy nhiên, đối với hàng xuất khẩu sang Anh Quốc, do tác động từ đạo luật 1887 khiến Thụy Sỹ phải có sự điều chỉnh.

Vàng 18k nội địa của Anh khi đó khi đóng triện không ghi rõ tỉ lệ phần trăm, mà thay vào đó họ chỉ đóng triện vương miện kèm số 18. Chính quyền Thụy Sỹ đã đem loại vỏ này về phân tích và tìm ra tuổi vàng của nó là 0,755. Do không muốn thay đổi bộ triện có sẵn nên Thụy Sỹ đã áp dụng cách đóng triện mới cho các sản phẩm vỏ vàng 18k xuất Anh, với độ tinh khiết mới 755 như sau : triện Helvetica ( bà đầm) sẽ được đóng 3 lần trên một bộ vỏ – 2 triện lớn và 1 triện bé, kèm theo đó là triện tuổi vàng, có thể là 0,755, có thể là 18c hoặc cũng có thể là cả hai cùng lúc.

                                       triện vàng 3 bà đầm xuất anh!!

Các bạn cũng lưu ý, vẫn tồn tại cả loại vỏ, chỉ đóng 1 triện helvetica nhưng là vàng 755, lý do là bởi trong cùng một lô hàng vỏ vàng 755, sau khi sản xuất sẽ phân tiếp thành 2 lô, nếu lô nào xuất khẩu, cần đóng 3 triện thì sẽ được chính quyền đóng, còn nếu không có nhu cầu xuất khẩu, hoặc có quan hệ quen biết hoặc xuất Mĩ thì không cần phải đóng 3 lần, thì chính quyền cũng đồng ý cho nhà sản xuất đó chỉ đóng 1 triện helvetica, nói chung là vẫn có sự linh hoạt.

BẠC 935 – TRIỆN 3 CON GẤU XUẤT ANH

triện 3 con gấu cho bạc 935

Ở Thụy Sỹ trước đây chỉ sử dụng bạc 800 và 875, tuy nhiên tại Anh Quốc thì tiêu chuẩn bạc tối thiểu lại là 925 – tức là chuẩn bạc Thụy Sỹ lại là bất hợp pháp tại Anh, cộng thêm đạo luật 1887 đã buộc Thụy Sỹ phải thay đổi chuẩn bạc.

                                                  bạc 935 chỉ 1 con gấu!

Tháng 12 năm 1887, chuẩn bạc 935 ( làm cao hơn chuẩn 925 cho chắc chắn)  đã được chính quyền Thụy Sỹ cấp phép để tiện cho xuất khẩu sang Anh ( bán chính thức) . Bộ vỏ này sẽ được đóng cùng lúc 3 con gấu – 2 lớn 1 nhỏ kèm kí hiệu tuổi vàng. Sau đó vì một lý do được đưa ra là những vị khách hàng ở Anh có thể thích kí hiệu 3 con gấu, nhưng khách hàng ở Mĩ thì lại ghét điều này, dẫn tới năm 1890, chính quyền đã cho phép nhà sản xuất đóng triện theo yêu cầu, có thể là 1 con gấu hoặc 3 con gấu – trường hợp này cũng giống như vỏ vàng 18k. Cơ quan hải quan của Anh vốn không quan tâm lắm đến bộ triện này, họ chỉ cần thấy có đóng kí hiệu “925” là cho phép thông quan. Loại kí hiệu này sẽ bị chấm dứt vào khoảng 1907 khi Anh Quốc tiếp tục ra đời một đạo luật mới nhằm làm khó cho các nhà nhập khẩu Thụy Sỹ.

ĐẠO LUẬT 1887 CỦA ANH QUỐC – NHỮNG TRỞ NGẠI ĐẦU TIÊN CHO HỆ THỐNG ĐÓNG TRIỆN

Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa Anh Quốc năm 1887, có nhiều điều khoản khó khăn cho đồng hồ Thụy Sỹ xuất sang đây, cụ thể là từ 1-1-1888, bất kể đồng hồ hay vỏ đồng hồ bằng kim loại quý được sản xuất ở bên ngoài Anh Quốc ( thực ra chủ yếu nhắm vào Thụy Sỹ) sẽ chỉ được hải quan cho thông quan với một trong các tiêu chí sau :

1. Không có bất kì kí hiệu nào ( kiểm định sau)
2. Được đóng triện ở Anh Quốc, kí hiệu là ” Foreign” ( nước ngoài) 
3. Được đóng triện từ nước ngoài
4. Nếu đóng triện Anh Quốc ( ám chỉ triện nội địa) thì phải có kèm theo kí hiệu để thể hiện và phân biệt đây là đồng hồ từ bên ngoài nước Anh.

Vậy tại sao lại có đạo luật này? Lí do đơn giản thôi, bởi từ khoảng 1874 đến 1887, có một số lượng nhỏ bộ vỏ đồng hồ sản xuất ở Thụy Sỹ, nhưng lại được các thương nhân tuồn vào Anh Quốc, đóng cho nó bộ triện kim loại quý chỉ dành cho nội địa Anh, rồi sau đó lại đẩy về Thụy Sỹ ráp máy vào vỏ rồi quay trở lại để bán. Ở thời kì này, các bạn phải hình dung là nền công nghiệp đồng hồ của Pháp và Anh rất mạnh, và vỏ kim loại quý của 2 quốc gia này thường được cho là tốt hơn và ” xịn” hơn vỏ Thụy Sỹ – thực tế là nếu tính theo độ tinh khiết cao nhất của vàng và bạc thì điều này đúng!  Đây là một cách lách luật để các thương nhân Anh có thể quảng cáo với người mua rằng ” bộ vỏ này được làm từ Anh Quốc!” khiến đồng hồ dễ bán hơn. Và khi đạo luật này ra đời, với kí hiệu ” nước ngoài”  chễm chệ giữa bộ vỏ như trong hình, đã làm phá sản những thủ thuật lách luật của dân buôn!

                                          vỏ thụy sỹ bị đóng chữ “nước ngoài”!!

Mặc dù xét về lý thuyết, đạo luật 1887 không chèn ép gì hay gây tổn hại gì cho nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, bởi đồng hồ Thụy Sỹ dựa vào nguồn xuất khẩu rất nhiều nhưng hệ thống tuổi vàng của họ nếu căn theo luật thì không hợp pháp tại Anh hay Đức! Cụ thể đối với Anh quốc thì :

1. Hai tiêu chuẩn bạc của Thụy Sỹ là 800 và 875 đều thấp hơn chuẩn bạc 925 của Anh Quốc, đương nhiên không hợp pháp!

2. Chính quyền Thụy Sỹ khi đó không hề nắm được chính xác độ tinh khiết của chuẩn bạc Sterling và vàng 18cara tại Anh vì họ không có văn bản nào xác nhận!

3. Ở Anh thì vàng 9K là hợp pháp, nhưng ở Thụy Sỹ thì chuẩn này không được công nhận.

4. Đồng hồ không có nơi xuất xứ rõ ràng sẽ bị tịch thu ngay!

Các vấn đề này sau đó được giải quyết như sau, có đề cập cụ thể ở bên trên, ngắn gọn là :

1. Các văn phòng khảo nghiệm Thụy Sỹ được ủy quyền đóng dấu loại bạc mới là 935

2. Tương tự như trên với vàng mới là 755

3. Các nhà sản xuất vỏ Thụy Sỹ bắt đầu lách luật bằng việc sản xuất và đóng dấu tự phát cho vỏ vàng 9k.

4. Một thương hiệu quốc gia mới cho thụy sỹ chính thức ra đời, được đóng dấu trên mặt đồng hồ, nó chính là ” Swiss Made”

ĐẠO LUẬT NĂM 1907

Năm 1907, một quy định mới được ban hành sẽ y khó khăn hơn cả đạo luật 1887, và nội dung chính của nó tập trung vào vấn đề kiểm nghiệm tuổi vàng : từ ngày 1-6-1907, tất cả đồng hồ Thụy Sỹ nhập khẩu vào Anh bị buộc phải kiểm nghiệm thân vỏ, và đóng triện tại văn phòng kiểm tra ở nước Anh – tức là dù Thụy Sỹ đã kiểm định sẵn thì sang đây vẫn phải kiểm định lại lần nữa!

Quy định này đặt ra xuất phát từ những phàn nàn của thợ đồng hồ nội địa Anh, và họ còn yêu cầu không được phép đóng triện nội địa Anh Quốc – cách mà các nhà nhập khẩu trước đây thường lách luật , mà phải đóng riêng một loại triện khác để phân biệt rạch ròi với vỏ được làm trong nước.

                            triện con vịt cho bạc 925 đã thay triện con gấu!!

Đây cũng chính là lí do khiến Thụy Sỹ bỏ hẳn bạc 875 và 935, chuyển hẳn sang dùng bạc 925 để xuất khẩu lẫn nội địa ( triện bạc 925 con vịt giới thiệu vào năm 1933) , bộ triện 3 con gấu cũng dần loại bỏ, bộ triện vàng 3 đầu bà đầm cũng vậy. Đây là nột thời kì rất lộn xộn, bạn có thể thấy có những chiếc đồng hồ Thụy Sỹ xuất lại chỉ có kí hiệu độ tinh khiết do Anh đóng, nhưng cũng có những chiếc đồng hồ lại chi chít cả triện Thụy Sỹ lẫn triện nhập khẩu do Anh Quốc đóng!

* biên dịch và viết bởi Lê Hoàng Thạch*