ROBOT HÚT BỤI - LAU NHÀSản phẩm khác

TRUY LÙNG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA SPRING BAR- CHỐT DÂY ĐEO

SPRING BAR – chốt dây đeo là một bộ phận nhỏ nhưng rất quan trọng tạo nên một chiếc đồng hồ đeo tay, từ chiếc Seiko 5 cho tới chiếc Patek vài tỉ đồng, đều phải sử dụng tới nó. Nhưng điều hài hước là, do kích thước quá nhỏ bé mỏng manh nên chẳng mấy ai để ý tới chúng! Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng truy nguyên từ quá khứ về lịch sử hình thành nên bộ phận thú vị này!

Chúng mặt ở khắp mọi nơi, đến mức tưởng chừng như vô hình! Đó là một bộ phận kì lạ. Chúng chắn chắn rất phổ biến, và bạn có thể tìm thấy chúng ở trong mọi loại đồng hồ, từ 75$ tới 75.000$. Có một số nhà sản xuất sẽ cung cấp cho bạn một thanh chốt thông minh, cho phép bạn tháo dây đeo đơn giản bằng móng tay, một số khác lại tạo ra loại chốt bằng vàng giống y như bộ vỏ vàng của chiếc đồng hồ bạn mua, nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, kết cấu cơ học của chúng là như nhau : một ống tròn có hai đầu, được neo giữ bên trong lỗ gắn chốt của đồng hồ bằng lò xo bên trong ống. Để lấy chốt ra, bạn cần phải sử dụng một công cụ, và chỉ với 10 giây lắp đặt, bạn có thể đeo nó tới tận 10 năm trên cổ tay!

SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỒNG HỒ ĐEO TAY

Điều rõ ràng là bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bằng sáng chế cho nó, cho tới khi những chiếc đồng hồ đeo tay bắt đầu bùng nổ vào cuối thế kỉ 19. Đồng hồ đeo tay đến khá muộn so với kĩ nghệ chế tạo đồng hồ, mặc dù về lý thuyết chúng đã tồn tại hàng trăm năm, khi bá tước Leicester tặng cho nữ hoàng Elizabeth I một chiếc đồng hồ đeo tay, nhưng đối với phần lớn lịch sử chế tạo đồng hồ khi đó, những chiếc đồng hồ có kích thước đeo được trên cổ tay không phải là những cỗ máy tốt, và nó chỉ là một loại sản phẩm phụ nhỏ nhoi, và phương thức cải tiến dành cho dây đeo chắc chắn không có động lực gì để phát triển.

Những chiếc đồng hồ đeo tay trước thế kỉ 20 phần lớn là đồng hồ dây thép, và hầu hết chỉ dành cho phụ nữ – thực tế là chỉ có phụ nữ đeo nó bởi nó rất nữ tính, và nó giống như một loại trang sức cá nhân hấp dẫn hơn là một cỗ máy cơ học chính xác. Những loại đồng hồ nghiêm túc thời đó mặc định là những chiếc đồng hồ bỏ túi, nhưng tư duy này  sẽ chấm dứt khi chiến tranh hiện đại bắt đầu – thế chiến 1. Những người đàn ông trong thời chiến, ban đầu là sĩ quan sau đó lan rộng ra tất cả mọi người, những chiếc đồng hồ được đeo trên cổ tay khi đó tiện dụng hơn nhiều so với loại bỏ túi, bởi không phải lúc nào người ta cũng thò tay vào túi áo mà lấy ra để xem giờ được.

Thực tế thì ngoài cổ tay, vẫn có những lựa chọn thú vị khác trên bàn tay, ngay bên dưới đây là một ví dụ về một giải pháp khác : một bằng sáng chế của Martin Pierson có từ năm 1898. Bằng sáng chế này có vẻ tương đối khả thi, và có lẽ nó đã được phục hồi và áp dụng một phần nào đó, bao gồm cả Swatch Group vào năm 2008 ( một bằng sáng chế ).

TỪ VÒNG TAY TỚI ĐỒNG HỒ ĐEO TAY

Việc sử dụng rộng rãi đồng hồ đeo tay cho nhiệm vụ quân sự, có lẽ bắt đầu từ người Anh trong chiến tranh Boer thứ 2. Chúng thường là những chiếc cốc bằng da để giữ một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng dây đeo. Dù nhận thức muộn màng và vụng về, nhưng cuối cùng thì nó cũng đã được áp dụng! Vào thời điểm thế chiến 1 bắt đầu, những thứ này đã được cải tiến thành các bộ vỏ có dây buộc trên đó, có thể khâu dây đeo. Nhưng trước đó, thế hệ đồng hồ đeo tay đầu tiên dành cho thị trường bình dân đã được bán ra. Cartier là một ví dụ, họ đã phát hành chiếc Tonneau, Santos – Dumont và Tortue trước khi thế chiến bắt đầu. Khác với những chiếc đồng hồ Trench với dây đeo của chúng ( loại cải hoán từ Đồng hồ bỏ túi để có thể gắn dây – dùng cho chiến tranh), chúng sử dụng các thanh kim loại cố định được hàn chết vào vỏ, hoặc sử dụng các thanh ngang bắt vít trực tiếp vào vỏ đồng hồ ( như Cartier Tonneau), và dĩ nhiên, đối với trường hợp là dây đeo kim loại thì nó sẽ được hàn chết vào vỏ đồng hồ. Cho đến trước khi bằng sáng chế bên dưới đăng kí năm 1924, đã có nhiều phương pháp khác nhau được đăng kí, cung cấp các giải pháp khác nhau cho vấn đề gắn dây đeo vào đồng hồ đeo tay.

                                                   bằng sáng chế năm 1924

                                             một bằng sáng chế năm 1917

Vấn đề rõ ràng là những phương pháp này không hề dễ dàng cho việc thay đổi dây đeo, thậm chí là nhiều chiếc phải đi theo một bộ dây đeo đến hết vòng đời. Do đó, khi mà đồng hồ đeo tay bắt đầu phổ biến sau thế chiến thứ nhất, mọi người bắt đầu đi tìm một giải pháp tốt hơn cho vấn đề này.

Và tới đây, thì khó khăn lẫn thú vị bắt đầu xuất hiện khi bạn muốn tìm hiểu về nguồn gốc của bộ phận Spring Bar. Đầu tiên, nếu thông qua công cụ tìm kiếm google với từ khóa ” watch spring bar patent” ( bằng sáng chế chốt khóa)  thì sẽ ra một số kết quả, chủ yếu là từ giữa thập niên 1940 đến giữa 1950, và bạn sẽ tìm thấy luôn cả những nỗ lực để loại bỏ bộ phận này cho tới ngày nay. Các loại thuật ngữ tương tự cũng sẽ xuất hiện ở các thời điểm khác nhau trong lịch sử trước cả khi đồng hồ đeo tay ra đời, thực tế thì nó chẳng liên quan gì tới bộ phận bạn đang tìm.

Sau một nỗ lực tìm kiếm, bạn sẽ để ý thấy vào những năm 1940, Spring Bar có vẻ như đã xuất hiện được một thời gian, một bằng sáng chế được áp dụng cho Robert Konifoff vào năm 1946, chỉ rõ các thanh Spring Bar kéo dài giữa tai càng, sử dụng đinh tán hoặc đinh bấm lò xo ở đầu để có thể khớp vào lỗ trên vỏ. Chi tiết này thể hiện bộ phận Spring Bar đã được áp dụng rộng rãi. Một cái khác, cũng áp dụng vào năm 1946, cấp bằng vào năm 1950 cho Nunzio Guarneri, với những cải tiến bên trong thanh Spring Bar, đặc biệt liên quan nhiều tới các loại dây đeo kim loại.

THEO DẤU CHÂN ” SPRING BAR”

một điều cực kì may mắn, là những người nắm giữ các bằng sáng chế này đã tỉ mỉ đề cập tới các tiền đề trí tuệ – ngắn gọn là nguồn cảm hứng để từ đó tại ra sáng chế. Lần theo dấu vết các mẩu vụn, dẫn ta trở lại quá khứ xa xôi hơn. Ví dụ, vào năm 1931Elgin đã được cấp bằng sáng chế cho phương pháp gắn dây đeo đồng hồ bằng loại linh kiện tương tự như Spring Bar, nó được tích hợp vào dây đeo.

Tuy nhiên, chúng tôi đã lần mò được vết tích xa hơn, với bằng sáng chế của Guarneri. Một trong những bằng sáng chế được ông này xuất hiện vào năm 1929, nộp đơn bởi Isidor Dintsman ( 1886-1967) vào năm 1927. Dintsman là người sáng lập công ty sản xuất vỏ đồng hồ Diel ( Diel Watch Case Company), ông cùng gia đình cũng có liên quan lợi ích tới các doanh nghiệp vỏ đồng hồ đặt tại Queens, New york – thông tin này được trích dẫn trên các diễn đàn đồng hồ Vintage. Địa điểm của hai trong số các công ty đó nằm ở Đại Lộ 137-11, một trong số chúng – công ty vỏ đồng hồ ID đã hoạt động ít nhất tới giữa thập niên 1980 ( năm 1983 – cửa hàng này bị đánh cắp số hàng tới nửa triệu Đô La). Và rõ ràng ở đây chúng ta đang được thấy một bằng sáng chế, có lẽ là thuộc loại sớm nhất dành cho Spring Bar.

Điểm thú vị là ngôn ngữ của bằng sáng chế này dường như tuyên bố đây là một ý tưởng mới, ở phần giới thiệu, nó nói đây là phát minh liên quan tới dây đeo, hoặc ruy băng, đặc biệt chỉ áp dụng cho đồng hồ đeo tay, theo như bằng sáng chế thì dây đeo, hoặc ruy băng được giữ chắc chắn trên thân vỏ, và có thể tháo ra dễ dàng mà không cần dụng cụ đặc biệt nào.

Bằng sáng chế sớm nhất cho Spring Bar tại Hoa Kì đã được cấp cho Fred Fruen – nộp vào năm 1921, nếu bạn xem qua bằng sáng chế này, bạn sẽ thấy rõ ràng nó là một loại thanh chốt dạng ống ( nguyên văn là ” kính thiên văn”) nào đó để neo giữ dây đeo, nhưng nó không giống như các loại sản phẩm thanh chốt ngày nay

CHARLES DEPOLLIER VÀ CHIẾC ĐỒNG HỒ ” HOÁN ĐỔI HÌNH DẠNG” .

 bằng sáng chế năm 1915

Năm 1915, một bằng sáng chế được áp dụng cho một chiếc đồng hồ có khả năng ” biến hình” – tức là có thể chuyển đổi từ đồng hồ bỏ túi sang đồng hồ đeo tay hoặc ngược lại. Như bạn đã thấy, nó hơi phức tạp và dễ bị hư hỏng.  Bản thân bằng sáng chế này có chi tiết rất giống như thanh chốt dây đeo ngày nay. Charles Depollier là một nhân vật rất thú vị, ông ta là người tiên phong trong sản xuất đồng hồ ở nước Mĩ, là chủ sở hữu thế hệ thứ 2 của công ty Jacques Depollier & Sons, ông đã sản xuất đồng hồ bằng cách sử dụng các cỗ máy của các công ty nổi tiếng như Waltham rồi lắp vỏ cho chúng, rồi sau đó đặt cho cái tên là ” Depillier”. ( ông cũng có một công ty con chuyên sản xuất vỏ đồng hồ, có tên là Dubois) và bán trực tiếp ra thị trường, thông qua một phòng trưng bày ở Maiden Lane tại thành phố New York. Nói chung hầu hết đồng hồ trong những ngày đó được cấu thành bởi một cỗ máy được sản xuất bởi một công ty riêng, với một bộ vỏ được sản xuất bởi một công ty khác, sau đó kết hợp với một nhà bán buôn.

Một trong những chiếc đồng hồ đeo tay nổi tiếng nhất của ông là Depollier ” waterproof dustproof” ( chống bụi chống nước.) có núm chỉnh giờ ren vặn, vỏ vặn và nhiều tính năng nhằm giảm tác động của sốc nhiệt độ, nó đã được sử dụng thành công bởi một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực hàng không : Roland Rohlfs, trong một chuyến bay kỉ lục cao tới 34.610 Feet vào năm 1919. Depollier đã quảng bá sự kiện này rộng rãi trên các tạp chí ở thời điểm đó.

Depollier đã được cấp bằng sáng chế đặc biệt  – một thanh chốt khóa Spring Bar dạng lò xo sớm nhất ( tính theo văn bằng hợp pháp) , nó được nộp vào năm 1915 và chính thức cấp vào năm 1916.

TỔNG KẾT

Ở trên đây là một phần bài viết của tác giả, tôi đã cố gắng loại bỏ đi nhiều chi tiết quá rườm rà. Có một điều mà bản thân tác giả chưa bao giờ chắc chắn đó là ai là người đầu tiên chế tạo ra Spring Bar cho đồng hồ, và chính xác là vào năm nào. Hiện theo bài nghiên cứu thì mới chỉ xác định theo phương pháp tra cứu nguồn sáng chế bên mĩ, ta biết được nó ra đời năm 1915 bởi Depillier – rất sớm từ ngay trong thế chiến 1 – khi mà đồng hồ đeo tay chưa bùng nổ và các nhà sản xuất Thụy Sỹ còn lo cải hoán đồng hồ bỏ túi của họ dành cho các chiến binh.

Việc nghiên cứu này có thể rất khó có được kết quả sớm, bởi thanh chốt Spring Bar là một chi tiết rất nhỏ và ít được người chơi để ý tới. Nhưng mặc dù nhỏ bé, nó vẫn có vai trò lịch sử quan trọng và nếu thiếu đi nó, đồng hồ đeo tay thời hiện đại sẽ mất đi nhiều thứ thi vị ! Giống như ăn mì tôm hảo hảo mà thiếu gói bột canh đi kèm vậy!

[iTIME ST- Lê Hoàng Thạch]